Cây dừa xiêm
- Tên khoa học: Cocos Nucifera
- Tên thường gọi: Dừa xiêm dây, dừa ẻo, dừa đùn
- Khu vực phân bố: Các quốc gia có khí hậu nhiệt đới. Ở Việt Nam dừa xiêm dây thích nghi rộng hơn so với các giống dừa khác, có thể trồng ở cả miền bắc lẫn miền nam
- Một số giống dừa tương tự: Dừa xiêm xanh lùn, dừa xiêm dứa, dừa hoàng đế, dừa sri lanka….
- Mô tả
Mô tả
1. Tác dụng trong trang trí, làm cảnh
Trồng cây dừa xiêm có tác dụng chắn gió, giữ đất, đồng thời tạo mỹ quan đẹp. Nên hiện nay, tại các khu du lịch gần bờ biển, khách sạn ven sông… dường như không thiếu được hình dáng cây dừa xiêm để tạo điểm nhấn, dẫn lối đi cho khách,…
Tạo bóng mát cho sân vườn, cung cấp quả ngọt cho gia chủ sở hữu chúng. Vì khi trồng cây dừa xiêm chỉ cần từ 1-2 năm là có thể cho các tàu dừa to và dài, bên cạnh đó còn cho quả ngọt quanh năm. Nếu được chăm sóc đúng cách.
2. Giá trị ẩm thực
Trái dừa xiêm làm thức uống giải khác và bồi dưỡng sức khỏe vì: nước dừa nhiều đường Glucose, Fructose và Sucrose. Giàu đạm chất. Nhiều Vitamine C, B1 và khoáng chất. Ngoài ra nước dừa xiêm xanh lùn có thể dùng pha chế môi trường nuôi cấy mô. Tham gia vào quá trình chế biến thức ăn hay đóng hộp giúp việc tồn trữ lâu dài, nâng cao được giá trị sản phẩm. Trái dừa là nguồn cung cấp thức uống tự nhiên thơm mát, bổ dưỡng và tinh khiết nhất.
Cơm dừa xiêm khô lấy dầu, làm bánh mứt, kẹo, hay nạo làm thạch dừa, sấy khô là mặt hàng xuất khẩu ổn định, có hiệu quả kinh tế cao.
3. Tác dụng khác:
Tàu lá dừa xiêm được dùng làm chất đốt, thân gỗ già để làm nhà, làm đồ gia dụng,… Vỏ dừa lấy sơ làm thảm, vật liệu cách âm, ván lát, phân bón.
Gáo dừa làm than hoạt tính để xử lý mùi và dùng trong y học để chữa bệnh. Bên cạnh đó, các nghệ nhân đã sáng tác hàng trăm loại sản phẩm thủ công mỹ nghệ phục vụ nhu cầu xã hội.
Trái dừa xiêm cũng cung cấp nguyên liệu sản xuất mỹ phẩm cao cấp và là dược liệu quý bồi dưỡng, trị bệnh và làm đẹp.
4. Cách trồng cây
Tiêu chuẩn chọn lựa đất
Dừa xiêm trồng tốt nhất trên loại đất thịt cát pha có thành phần cơ giới nhẹ. Đất nên tơi xốp và thoáng có độ pH khoảng 5. Nếu trồng ở những nơi đất bạc màu nên bón thêm phân bón để giúp nâng cao năng suất của chúng.
Thời vụ trồng
Dừa xiêm có thể trồng quanh năm tuy nhiên nên trồng vào mùa mưa sẽ đỡ tốn công chăm bón mà cây lại phát triển tốt hơn.
Tiêu chuẩn chọn giống
Vì dừa dễ lai tạp nên ưu tiên chọn lựa những quả ở giữa buồng để làm giống. Những quả đầu buồng thường có cỏ bông dài dễ gãy. Chọn lựa những cây con giống có bộ lá phát triển và cuống lá ngắn rộng thì sẽ cho sản lượng cao hơn.
Kĩ thuật trồng
Nên trồng dừa vào thời gian râm mát trong ngày. Nên đào hố và bón lót trước đó 1 tháng sau đó mới đem trồng cây con giống vào. Vì dừa xiêm có hệ rễ khá phát triển nên khoảng cách trồng giữa các hố nên cách xa nhau khoảng 5m.
Sau khi trồng xong bạn tiến hành tưới nước giữ ẩm ngay cho cây. Dừa xiêm có bộ rễ chính khỏe mạnh nhưng rễ phụ lại khá yếu và có đời sống ngắn nếu như bị khô hạn hoặc ngập úng. Chính vì thế mà bạn cần chú ý tưới nước đầy đủ cho cây con trong giai đoạn mới trồng và vào mùa mưa cần phải có hệ thống thoát nước tốt tránh ngập úng.
5. Cách chăm sóc cây
Cắt tỉa tán lá
Dừa xiêm có các bẹ lé to có nhiệm vụ bảo vệ buồng quả nên không nên đốn tỉa các tàu lá non sẽ ảnh hưởng đến sức sinh trưởng của cây. Với những cây dừa đang cho quả mà tỉa tàu lá trước khi hoa nở sẽ khiến cho hoa bị hỏng và buồng quả phát triển kém đi.
Bón phân cho cây
Cây dừa xiêm một năm sinh trưởng ra khối lượng vật chất khá lớn nên nhu cầu dinh dưỡng vì thế cũng khá cao. Để cung cấp đầy đủ cho quả phát triển bạn cần bón thêm phân bón cho cây. Định kì hàng năm nên bón thêm một lượng phân chuồng hoai mục khoảng 10kg một gốc. Ngoài ra có thể bón thêm phân NPK và phân bón lá để cung cấp chất đạm cho quả phát triển hơn.
Phòng trừ sâu bệnh hại
Theo như nghiên cứu thì giống dừa có đến hơn 100 loại sâu bệnh hại. Có thể kể đến những loại như sâu đục thân, rệp, bọ đục rễ, đuông dừa hại thân và một số loại nấm bệnh ở lá, thân và gốc.
Để phòng trừ sâu bệnh hại bạn cần thường xuyên xới xáo đất trồng dừa để giúp đất thông thoáng nhất là vào mùa mưa. Ngoài ra bạn cần cắt bỏ đi những phần rễ chết để tạo sự thông thoáng cho cây.
Làm sạch cỏ dại trong vườn trồng để không làm ảnh hưởng đến cây dừa. Một số loại cỏ dại có khả năng đâm thủng các rễ dừa khiến rễ bị thối và chết.